
Bạn đã bao giờ bị bóng đè chưa? Để mình – một người có tần suất bị bóng đè 2-3 lần/tuần chia sẻ cho bạn nghe về những trải nghiệm thú vị ấy nhé!
I. Dấu hiệu để nhận biết khi bạn bị bóng đè
Với kinh nghiệm của một người bị bóng đè lâu năm như mình, dấu hiệu để nhận biết mình đang trong trạng thái bị bóng đè là khi:
- Đang ngủ nhưng cơ thể cảm thấy bị đè nén
- Có khả năng quan sát khung cảnh xung quanh đúng với thực tại nhưng lại đang trong trạng thái nhắm mắt
- Cơ thể không có khả năng hoạt động theo ý muốn
- Đổ mồ hôi
- Tim đập nhanh
- Cảm giác như đang gào thét nhưng sự thật thì không có bất cứ âm thanh nào được phát ra.
II. Vì sao có hiện tượng bóng đè?
1. Xét về khía cạnh tâm linh
Dân gian quan niệm hiện tượng bóng đè là do những linh hồn đang lang thang ở trần thế vẫn chưa được siêu thoát đã gây ra những quấy nhiễu, tác động đến cơ thể và tâm trí của những người có cùng tần số với họ.
Mình nghĩ quan điểm này sẽ được nhiều người biết đến hơn vì nó phổ biến, được truyền miệng từ người này sang người khác và hơn hết là kiến thức khoa học về việc lý giải hiện tượng bóng đè không được nhiều người biết đến. Riêng về khía cạnh này, mình không xét đúng, sai hoặc phân tích kỹ vì mình chỉ là người trải nghiệm có thâm niên chứ không phải người có đủ khả năng để giải đáp trên phương diện này.
2. Xét về khía cạnh khoa học
Hiện tượng bóng đè có tên gọi tiếng anh là sleep paralysis (chứng liệt thân khi ngủ)
Nguyên nhân
Một trong số các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bị bóng đè đó là do các giai đoạn giữa thức và ngủ bị rối loạn. Giai đoạn REM (rapid eye movement hay còn gọi là giai đoạn cử động mắt nhanh) là một trong những giai đoạn ngủ cho phép các nhóm cơ được nghỉ xả hơi, được thư giản trong khi não vẫn đang hoạt động để tạo nên những giấc mơ hết sức kì bí. Chính vì sự rối loạn giữa các giai đoạn khi bạn thức và ngủ này đã tạo ra những nhận thức nhất định làm não trong trạng thái thức muốn chi phối các nhóm cơ đang trong trạng thái ngủ, khiến tay chân muốn hoạt động nhưng lại không thể, điều này đã chứng minh cho cảm giác bất động khi bị bóng đè.
Tiến sĩ Clete Kushida ở Trung tâm Y tế Sleep Stanford ở Redwood, California (Hoa Kỳ) cho rằng ngoài rối loạn trong chu kỳ giấc ngủ, hiện tượng bóng đè cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh tâm thần. Trường hợp này, những người bị chấn thương tâm lý hay bị trầm cảm cũng thường ghi nhận tần suất bị bóng đè khá cao.
Ngoài ra, hiện tượng bóng đè cũng thường xuất phát từ căng thẳng tâm lý hay áp lực từ công việc. Thói quen sử dụng nhiều đồ uống có cồn và thói quen hút thuốc lá nhiều cũng là một trong những khả năng khiến bạn gặp phải ảo giác khi ngủ và gây hiện tượng bóng đè.
Làm gì để thoát khỏi trạng thái bị bóng đè?
- Tập trung vào hơi thở, giữ bình tĩnh để giảm áp lực lên ngực
- Chuyển động nhẹ các đầu ngón tay, chân để nhanh chóng thoát khỏi tình trạng bị bóng đè
- Cố nói chuyện, phát ra âm thanh như một cách đánh thức bản thân
- Giữ nguyên tư thế và niệm Phật, chờ đến khi “bóng đè” không còn “đè” nữa 😉😉
III. Lời khuyên
Để hạn chế tình trạng bị bóng đè, bạn nên tìm ra nguyên nhân để điều trị tận gốc. Xem lại không gian ngủ có thoải mái chưa, thời gian ngủ đã đủ 7 - 8 tiếng không? Ngoài ra, giảm tải áp lực cuộc sống, giải toả những vấn đề tâm lý sẽ khiến tinh thần bạn trở nên thoải mái hơn, điều đó giúp cho giấc ngủ của bạn chất lượng hơn. Hãy tìm hiểu xem, bản thân có gặp phải tình trạng rối loạn giấc ngủ hay không? Nếu có, hãy điều trị nó một cách tốt nhất để có một giấc ngủ sâu cùng những giấc mơ đẹp thay vì cảm giác “bị ai đó đè lên mình”.
Về cá nhân mình, sau nhiều năm lãnh hội vô số những trải nghiệm thú vị khi bị bóng đè cùng 7749 cách, nào là để tỏi đầu giường, để dao dưới gối nằm, đốt nhan cầu mong ông bà phù hộ thì cuối cùng, mình cũng đã tìm ra 1 phương pháp giúp chất lượng giấc ngủ của mình được cải thiện hơn, ngủ ngon hơn và đặc biệt là không mơ những giấc mơ đáng sợ. Phương pháp đó là gì thì cùng mình đón chờ trong bài chia sẻ tiếp theo nhé!
Còn bạn, bạn nghĩ gì về hiện tượng bóng đè ❓ Đã bao giờ bạn bị bóng đè chưa❓